Dời đô và bắc tiến Sở Chiêu vương

Thiên sang đất Nhược

Tuy đánh bại quân Ngô nhưng kinh thành Dĩnh Đô cũng bị tàn phá nặng nề. Về phía Ngô, Ngô Hạp Lư sau khi dẹp xong loạn Phu Khái, chưa từ bỏ ý định đánh Sở. Năm 504 TCN, Hạp Lư sai thái tử Chung Luy đánh Sở. Sở Chiêu vương sai Phan Tử Thần và Tiểu Duy Tử ra đánh. Kết quả thủy quân Sở bị quân Ngô đánh bại ở Phồn Dương, hai tướng Sở bị bắt.

Thấy Dĩnh đô liên tiếp bị uy hiếp, Lệnh doãn mới nước Sở là Tử Tây vì việc bại trận này bèn xin Chiêu vương thiên đô từ đất Dĩnh ra đất Nhược. Chiêu vương đồng tình. Dĩnh đô từ thời Sở Văn vương được chọn làm kinh thành tới đời Chiêu vương dời đi, tất cả 12 đời vua trong gần 200 năm.

Sở Chiêu vương thiên đô đến lên phía Bắc, đóng ở đất Nhược, nhưng đổi tên đất ấy là Dĩnh[1]. Tuy nhiên sau này, Ngô lại kết oán với nước Việt nên không gây chiến với Sở nữa.

Mở rộng bờ cõi

Trước kia nước Tấn hội minh ở Thiệu Lăng, có hai nước phiên thuộc của Sở là Hồ và Đốn đến thề với Tấn. Khi quân Ngô đánh Sở, Hồ tử tên là Báo đến cướp bóc các vùng đất ở biên giới Sở và Hồ, còn vua Đốn thì ngả hẳn theo Tấn. Cho nên sau khi thế nước hồi phục, Sở Chiêu vương liền nghĩ đến hai nước này.

Đến tháng 2 năm 496 TCN, Sở Chiêu vương sai Vương tử Kết cùng Công Tôn Đà Nhân nước Trần mang quân đánh nước Đốn, diệt được nước Đốn[1][30].

Sang năm 495 TCN, vì cớ nước Hồ không chịu thần phục nước Sở; Sở Chiêu vương lại đánh nước Hồ, bắt vua là Báo, tiêu diệt nước Hồ[1][31].

Năm 494 TCN, Sở Chiêu vương hội quân với Trần hầu, Tùy hầu và Hứa nam cùng đánh Sái để báo thù việc theo Ngô đánh Sở trước đây. Quân Sở cứ cách một dặm thì xây một bức tường dày 1 trượng, cao hai trượng, rồi vây hãm quốc đô nước Sái[32] trong 9 ngày. Sái Chiêu hầu không chống nổi phải ra xin thần phục. Người nước Sái ra khỏi thành, đến giữa sông Nhữ và sông Hán xin nghe lệnh Chiêu vương. Sau khi quân Sở rút lui, nước Sái phải xin nước Ngô đất để di cư xa nước Sở[33].

Qua đời

Năm 489 TCN, một đám mây hình bầy chim vây quanh mặt trời trong suốt 3 ngày. Chiêu vương đem việc hỏi quan Thái sử, Thái sử đáp rằng đấy là điềm có tai họa cho nhà vua, và cho ý kiến rằng có thể cúng giải để chuyển tai họa qua cho các quan đại thần, nhưng ông không làm theo[34]. Sau đó nhà vua mắc bệnh, bói được nguyên do là ở thần sông Hà, các quan bèn xin làm lễ tế thần sông Hà, Chiêu vương đáp rằng mình không làm gì có tội với thần ở sông Hà, nên không chịu tế. Khổng Tử khen việc làm của Chiêu vương là hiểu rõ đạo lớn[35].

Mùa thu năm đó, Ngô đánh nước Trần, Trần Mẫn công sai sứ cầu cứu Sở. Sở Chiêu Vương đem quân sang cứu, đóng ở Thành Phụ. Ông sai người bói một quẻ về việc chiến tranh, nhưng nhận lấy quẻ xấu. Vua nói rằng

Thế là ta chết. Nhưng nếu lại đánh thua Ngô nữa, chết còn hơn. Bỏ đồng minh, trốn kẻ thù cũng không bằng chết. Đã chết, thì chết về tay kẻ thù trên sa trường.

Sau đó lệnh truyền ngôi cho Vương tử Thân, nhưng Thân không chịu. Lại hạ lệnh truyền ngôi cho Vương tử Khải (Tử Lư, con Bình vương), Khải từ chối 5 lần rồi mới chịu. Sau đó, vua Sở đánh vào ấp Đại Minh, gặp quân Ngô, quân Ngô phải rút lui[36]. Tháng 10 năm đó, Sở Chiêu vương bệnh nặng ở Thành Phụ, rồi qua đời. Vương tử Khải từ chối không nhận ngôi vua nữa, rồi cùng Vương tử Thân giấu tin chưa phát tang, sau đó mời con trưởng của Chiêu vương với bà phi nước Việt sinh ra, tên là Chương lên nối ngôi, tức là Sở Huệ vương[1][34]. Sở Chiêu vương ở ngôi tất cả 27 năm, thọ khoảng 35 - 37 tuổi.